Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn": Chuyện bây giờ mới kể


Vẫn biết, thước đo tình cảm của khán giả đối với mỗi bộ phim là khá trừu tượng, nhưng chỉ trong vòng 9 tháng từ sau ngày sản xuất (3/2011), bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" đã liên tục gây xôn xao dư luận và tới nay đã có các đài truyền hình: Vĩnh Long, Bình Dương, Đà Nẵng nối tiếp nhau mua để phát sóng, mới nhất là VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam chọn chiếu vào giờ vàng...; một phần đã nói lên hiệu quả xã hội của nó.

Là tác giả kịch bản, khi ngồi nghĩ lại, nhà văn Nguyễn Xuân Hải thấy chuyện làm phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" còn có nhiều điều để kể "hầu" bạn đọc...
Khi Trung tướng - nhà văn ra tay hỗ trợ…

Ngay sau khi tôi hoàn thành kịch bản, đạo diễn Long Vân đã chuyển cho Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị hợp tác sản xuất. Hội đồng thẩm định kịch bản của nhà Đài đã đọc, có nhận xét tốt về kịch bản và đề nghị Hãng phim Long Vân lập dự toán sản xuất. Theo tính toán của đạo diễn Long Vân, để làm một bộ phim hấp dẫn, đòi hỏi phải kỹ càng cả về không gian và thời gian. Vị đạo diễn lão thành từng bỏ ra mấy năm trời để quay có 4 tập phim nhựa "Biệt động Sài Gòn" nên muốn rằng, chí ít mỗi tập phim video cũng phải có thời gian quay từ 5 đến 7 ngày. Ngoài ra, phim có nhiều đại cảnh, có cảnh huy động đến cả trăm người nên mức kinh phí của nhà Đài theo quy định hiện hành không thể đáp ứng. Vậy là Long Vân và Trịnh Quốc Tuấn phải khăn gói quả mướp vào Tp HCM tìm nhà sản xuất khác. Cuối cùng, các ông cũng tìm được một liên doanh sản xuất phim gồm: Đài Truyền hình Vĩnh Long - ông Duyên Thi và Hãng phim Long Vân.
Vốn tính cẩn trọng, đạo diễn Long Vân mời bằng được Trung tướng, nhà văn Hữu Ước làm cố vấn nghiệp vụ cho bộ phim. Ngày 3/3/2010, đoàn làm phim bắt đầu ra mắt tại Tp HCM và nhà văn Hữu Ước được mời dự. Trong cuộc cà phê cuối buổi họp báo, nhà văn Hữu Ước mới biết một thực tế: để lo cho việc sản xuất phim, vị đạo diễn 74 tuổi nổi tiếng một thời và ông giám đốc Hãng phim cũng gần tuổi thất thập đã mấy tháng phải ở nhờ nhà bạn bè và thường xuyên "mì ăn liền" thay bữa. Nhà văn Hữu Ước liền quyết định cho đoàn làm phim mượn một phòng khách tại Văn phòng đại diện Báo Công an nhân dân ở phía Nam làm nơi ăn nghỉ, giao dịch và chỉ đạo việc làm phim. Ngoài căn phòng khá tiện nghi ở tầng 2, có tuần tòa soạn còn nhường cho đoàn làm phim thêm một phòng ở tầng 1 để tiện việc ký kết hợp đồng và cả việc casting diễn viên nữa..

Thông cảm khi phải thay vai
Một lần tại Hà Nội tôi nhận được điện thoại của một diễn viên xưng tên là "cô Tấm" từ Tp HCM điện ra với lời đề nghị: "Đạo diễn Long Vân nhắm con đóng vai Diệu Linh, chú làm ơn mail kịch bản cho con đọc trước". Hôm sau, trợ lý của đạo diễn Long Vân mail cả tấm hình "cô Tấm" cho tôi. Về hình thức, đây là một cô gái rất "Diệu Linh". Vậy là tôi mail kịch bản vào cho "cô Tấm". Nhưng sau đó, trong buổi casting, người được mời đến đóng vai Diệu Linh không phải là Tấm nữa mà là diễn viên Kim Tuyến khả ái. Sau một tuần bấm máy ở Vũng Tàu, từ Hà Nội tôi nhận được tin: Vai Diệu Linh đã được chuyển cho Lan Phương. Tôi cho rằng nhà sản xuất hoàn toàn có lý. Từng cử chỉ dù nhỏ nhất đã được Lan Phương xử lý rất tinh tế và đây là vai diễn thành công, tương tự một số vai diễn khác như Phượng "đê" (do Kim Phượng hóa thân) hay Bảy Xoài (do Hai Nhất đảm nhiệm). Vai nữ chính thứ hai - Trung úy Công an Minh Thư cũng được nhà sản xuất và đạo diễn tính toán từng... xăng timét.

Ứng cử viên đầu tiên cho vai này là Lisa Vân Anh, Hoa hậu thân thiện Việt kiều từ Mỹ mới về nước. Vân Anh đã dành khá nhiều công sức cho vai diễn như học thuộc lòng thoại, tìm hiểu quân phong quân kỷ của người chiến sĩ Công an, kể cả việc cô dành tới tháng trời học võ… Nhưng cho đến ngày bấm máy, vai Minh Thư lại được chuyển cho Lệ Hà. Lệ Hà vốn là giảng viên múa. Cô cũng đã thành công khi thể hiện vai người chiến sĩ Công an thế hệ mới mà tôi đã dày công khắc họa trong kịch bản. Sau này, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo về việc "mất vai diễn", Vân Anh vui vẻ mà rằng, đó là "quyền của nhà sản xuất" và cô cũng còn nhiều niềm đam mê khác trong những ngày còn ở Tổ quốc. Suy cho cùng, nhà sản xuất là người bỏ tiền ra làm phim để bán nên họ cần có những diễn viên phù hợp nhất để làm hài lòng khán giả.
Cũng phải kể thêm rằng khi viết kịch bản, tôi đã nối dài số phận của hai nhân vật chính trong phim "Biệt động Sài Gòn" ngày trước là vợ chồng Tư Chung và Ngọc Mai. Khi nghiên cứu kịch bản, NSƯT Hà Xuyên - người từng đóng vai Ngọc Mai, nữ biệt động Sài Gòn xinh đẹp năm xưa rất hào hứng với vai diễn này. Hà Xuyên và tôi thường xuyên trao đổi với nhau về kịch bản qua mail. Nhưng đến ngày bấm máy, vai Ngọc Mai lại chuyển cho Thanh Vân, một thời là chiến sĩ văn công giải phóng. Hỏi ra mới biết, Hà Xuyên đợi ngày bấm máy quá lâu, trong khi chị lại nhận được lời mời vào vai Hoàng hậu trong bộ phim lịch sử "Huyền sử thiên đô" ở ngoài Bắc. Thật tiếc, cả hai nhân vật chính ngày ấy giờ đây đều không thể tái xuất trên màn ảnh nhỏ để người xem tiếp tục được chiêm ngưỡng họ với tư cách là những chiến sĩ biệt động Sài Gòn lừng lẫy một thời.
Những khoảnh khắc thăng hoa của ông cố vấn…

Mặc dù chỉ nhận vai trò cố vấn nghệ thuật, song đạo diễn Long Vân muốn bộ phim phải là phim "lai" giữa phim nhựa và video. Chính vì thế, những cảnh quay nào quan trọng, ông đều ra hiện trường cùng chỉ đạo. Và đôi lúc sự thăng hoa quá mức của ông đã khiến nhà sản xuất phải "bó tay… chấm com!". Xin dẫn ra một trường hợp:
Lần ấy, đạo diễn Long Vân mời tôi đến và yêu cầu viết thêm cảnh cụ rùa Hồ Gươm cứu Đắc Vi, người chiến sĩ trinh sát dũng cảm vừa ngã xuống trước họng súng của bọn tội phạm. Thời điểm ấy, cả nước đang tưng bừng hướng tới ngày đại lễ ngàn năm Thăng Long và Long Vân muốn có những cảnh quay nơi Hồ Gươm linh thiêng gắn với truyền thuyết rùa thần và gươm báu. Tôi nhận lời và viết hơn chục trang thể hiện cảnh rùa thần cứu Đắc Vi, dưới dạng một giấc mơ của người chiến sĩ khi anh bị thương nặng, đang trên đường đưa đi cấp cứu. Viết xong, tôi đưa cho đạo diễn Long Vân và hỏi: "Các bác xoay đâu ra cụ rùa có thể cõng được diễn viên Bá Cường (đóng vai Đắc Vi)?". Đạo diễn hồn nhiên: "Tôi sẽ mượn con rùa tiêu bản hiện có ở bảo tàng. Năm trước, làm phim "Biệt động Sài Gòn" tôi còn mượn được của bên quân đội cả máy bay và xe tăng". Tôi dựng tóc gáy vì ý tưởng ấy và nhỏ nhẹ: "Bác ơi, tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm là hiện vật linh thiêng quý giá của đất nước, người thường không được phép sờ vào, nói chi đến việc đưa xuống nước cho Đắc Vi cưỡi". Nghĩ một lúc, đạo diễn Long Vân đành…xuống thang: "Thì ta làm mô hình một con rùa gằng gỗ như thật". Việc làm cụ rùa bằng gỗ cũng phải tiền, mà tính sơ sơ cũng đến chục triệu nên nhà sản xuất cũng "cho qua" luôn.
Tuy nhiên, cũng có những ý tưởng mới của đạo diễn Long Vân đã được thực hiện. Ấy là cảnh Thượng úy Đắc Vi về thăm trường cũ và được mời đến giao lưu với các khóa học viên ở đây. Được sự giúp đỡ của Ban giám hiệu một trường Cảnh sát phía Nam, đoàn làm phim đã thực hiện được một đại cảnh: Hàng trăm học viên trang phục chỉnh tề, quân kỷ nghiêm trang đã tham gia làm diễn viên đúng như công việc thường ngày của họ. Chính đại cảnh này cùng với một số đại cảnh khác như cuộc vây bắt bè lũ tội phạm Bảy Xoài đã được các nhà làm phim chọn làm Generic phim thật ấn tượng và hoàng tráng. Nói như các nhà làm phim thì dẫu có bỏ ra thật nhiều tiền cũng khó có thể thực hiện được những cảnh quay ấn tượng và chân thực đến như thế. Có lẽ vì thế, trong khi phim đang trình chiếu trên VTV1, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đã tặng bằng khen "Chương trình có chất lượng cao trong năm 2011" cho bộ phim. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng bộ phim đã giành được giải cao nhất thể loại phim truyền hình dài tập

Nguyễn Xuân Hải - VNCA Xuân Nhâm Thìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét