Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Nguyễn Xuân Hải - Người đi tìm hồn xưa...

Nhà thơ Nguyễn Xuân Hải
“Người về tìm lá bể dâu” của nhà thơ Nguyễn Xuân Hải là hành trình ngược chiều thời gian, không gian tìm về quá khứ. Tập thơ mang tâm thức hoài cổ chứa đựng nhiều suy tư, ẩn ức. Với một nhà thơ từng trải thì trong trường hợp này, chọn cung trầm cho thơ là thích hợp nhất để trải lòng. Đây thực sự là một thử thách đối với nhà thơ. Bởi, tâm thức trở về hàm chứa khát vọng khám phá, khai quật những giá trị cũ đã bị che phủ, khuất lấp sau những bể dâu của lịch sử và đời người. Lại nữa, hình như bây giờ người ta đang mải ngóng về phía những tiếng thơ tân kỳ, ra sức chiếm lĩnh những chân trời không có thật, vô tình bỏ quên tiếng nói nặng sâu ân nghĩa với cội nguồn. Song, thơ vốn không thiên vị. Dù ồn ào, gào thét hay lặng lẽ, tâm tình, thơ nào chạm tới cõi thẳm của hồn người, thơ ấy được bảo tồn sự sống. “Người về tìm lá bể dâu”  khơi dậy những vùng ký ức lịch sử, văn hóa ngàn đời của dân tộc, những mạch ngầm đã và đang âm thầm chảy trong mỗi cơ thể người Việt Nam.

(Đọc tập thơ Người về tìm lá bể dâu của nhà thơ Nguyễn Xuân Hải NXB Hội Nhà văn 2010)
LÊ KHÁNH MAI
“Người về tìm lá bể dâu” của nhà thơ Nguyễn Xuân Hải là hành trình ngược chiều thời gian, không gian tìm về quá khứ. Tập thơ mang tâm thức hoài cổ chứa đựng nhiều suy tư, ẩn ức. Với một nhà thơ từng trải thì trong trường hợp này, chọn cung trầm cho thơ là thích hợp nhất để trải lòng. Đây thực sự là một thử thách đối với nhà thơ. Bởi, tâm thức trở về hàm chứa khát vọng khám phá, khai quật những giá trị cũ đã bị che phủ, khuất lấp sau những bể dâu của lịch sử và đời người. Lại nữa, hình như bây giờ người ta đang mải ngóng về phía những tiếng thơ tân kỳ, ra sức chiếm lĩnh những chân trời không có thật, vô tình bỏ quên tiếng nói nặng sâu ân nghĩa với cội nguồn. Song, thơ vốn không thiên vị. Dù ồn ào, gào thét hay lặng lẽ, tâm tình, thơ nào chạm tới cõi thẳm của hồn người, thơ ấy được bảo tồn sự sống. “Người về tìm lá bể dâu”  khơi dậy những vùng ký ức lịch sử, văn hóa ngàn đời của dân tộc, những mạch ngầm đã và đang âm thầm chảy trong mỗi cơ thể người Việt Nam.
            Theo chân Nguyễn Xuân Hải trong cuộc hành trình đi tìm ấy, người đọc nhận ra cái đích mà nhà thơ muốn đến là cái xưa, một vùng trời luôn thao thức, day trở, “phiêu diêu trong cõi nhớ” của nhà thơ. Điều này chỉ dẫn về không gian và thời gian nghệ thuật đặc thù của thơ ông. Có thể nói, yếu tố xưa đã thường trực, hằn sâu trong cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Xuân Hải làm nên hồn cốt và điểm tựa cho các phương tiện biểu đạt hình ảnh, ngôn ngữ thơ. Thống kê chưa đầy đủ yếu tố xưa  trong tập thơ này đã thấy:
Về tên các bài thơ, có: Tôi về tìm lại tôi xưa ; Gửi chiều xưa; Cội xưa; Nếp xưaHỏi xưa.
 Về những câu thơ chứa đựng yếu tố xưa, nhặt ra trong các bài thơ:
Nao lòng chuyện xửa, chuyện xưa (Một cõi ca dao)
Tình người đọng ngọt nước đầy giếng xưa (Vô đề)
Rừng xưa và nhánh lan gầy hiện ra (Phút xao lòng)
về với nghìn xưa và hôm nay tụ hội (Chút mộng mơ ở Cát Bà)
Mũi sóng lắng hồn thơ xưa Vĩ Dạ (Đêm Sông Hương)
Bắc cầu giải yếm sang bờ ao xưa (Gửi người quan họ)
Dẫu trường xưa đã những vầng mây lạ (Vô đề)
Để tôi về lại một lần ngày xưa (Mượn em điệu múa mưa xuân)
Đưa em về bến sông xưa (Cánh cò thiên sứ)
Mẹ tôi ngồi lẫn với màu mây xưa (Cổ tích về mẹ)
Thơ ơi còn cháy trong lòng người xưa? (Hoa bất tử)
Và còn rất nhiều ngữ cảnh chất đầy không gian xưa, như: Thân vạc, cánh cò, bóng cây đa, cõi ca dao, miền dân ca, vùng ký ức, tiếng chuông chùa, cổ tích về mẹ, chớp bể mưa nguồn, sương khói phù vân… đa dạng và đậm đặc, tạo nên một trường thẩm mỹ với biên độ lớn có sức vang ngân sâu xa, bền bỉ.
 Khao khát trở về ngày xưa là tâm trạng có thật trong thơ đương đại, song mỗi nhà thơ sẽ chọn một con đường riêng, một giọng thơ riêng để đi đến cái đích mà mình mong muốn. Nguyễn Xuân Hải trở về trên con đường lịch sử, văn hóa dân tộc, nói bằng giọng thơ truyền thống, thuyết phục người đọc bởi những rung cảm nồng hậu, thanh khiết, bởi sự chắt lọc những vẻ đẹp tinh túy của hồn xưa.
Thơ ông đau đáu nỗi niềm trước số phận lịch sử dân tộc trải bao biến cố thăng trầm, thịnh suy, hưng phế.“Trước điện Kính Thiên” nơi Thăng Long nghìn tuổi, quá khứ ùa về rung chấn :“Dòng suy tưởng chợt về như cơn lũ/ Chín vương triều tròn thiên kỷ hưng vong”. Sống lại trong ông một Thăng Long xưa vàng son, rực rỡ, tiếng ngựa hí vang trận mạc, nguyệt cầm ngân vọng, lắng sâu, trăm quê ấm no, rộn rã…Nhưng tất cả đã vùi vào dĩ vãng chỉ còn sót lại  bóng Hoàng Thành, ông nhặt lên nâng niu chút hồn xưa tiềm ẩn, cất vào trang văn, mong giữ lại cho đời. Ý thơ bình dị, bất ngờ vụt hiện đã bộc lộ quan niệm sâu sắc về  thiên chức nhà văn phải mang trong mình số phận dân tộc. Cảm hứng lịch sử đã dẫn dắt, thôi thúc Nguyễn Xuân Hải đến với nhiều vùng đất của Tổ quốc, nơi nào ông cũng được ngày xưa gọi nhắc, hay chính tấm lòng ông tha thiết với cõi xưa. Đến Cát Bà, trước Đằng Giang “bốn bề gió thổi”, ông mơ màng nhớ Ngô Quyền với chiến công hiển hách: “Những chiếc thuyền nghe có tiếng gươm khua/ Vua Ngô đứng chờ con nước rặc/ Bãi cọc nhọn nhấn chìm bao thuyền giặc..(Chút mộng mơ ở Cát Bà). Và như thế lịch sử dẫu đi cùng vô tận thời gian vẫn trú ngụ trong hồn con người mọi thời đại.
Trong hành trình ấy nhà thơ gặp những nhân vật lịch sử với những công đức, tư tưởng tiến bộ so với đương thời. Những bi kịch thân phận của họ phản chiếu thời đại mà họ sống. Vua Đinh Tiên Hoàng từng trăm trận trăm thắng, muôn dân tôn kính, nhưng lại bị gian thần hạ độc khi ngự trị trên ngôi báu. Hơn một ngàn năm trôi qua, nhà thơ còn thấu nỗi đau oan khuất ngút trời xanh của một vị vua:  “Ngàn năm sau đến nơi đây/ Vẫn nghe tiếng khóc trong mây của người” (Viết trước đền vua Đinh). Quan Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm từng mang nỗi đau thế sự “loạn vua binh lửa”, trăm họ điêu linh”, với cốt cách kẻ sĩ ông đã từ bỏ áo mũ xênh xang về ở ẩn nơi quê nhà dạy học và bốc thuốc chữa bênh cho dân. Nguyễn Xuân Hải đã tổng kết cuộc đời Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng 2 câu thơ: “Tám năm làm quan trĩu lòng chữ đức/ Nửa thế kỷ làm thầy vằng vặc chữ tâm”  (Giấc mộng Hàn Giang) và tri âm, tri ngộ với những trang thơ“như từ máu chắt ra” của Bạch Vân cư sĩ cách nay hơn hai thế kỷ. Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, xuất thân từ bãi lúa nương dâu, nên dù ở nơi tột đỉnh cao sang vẫn hướng về dân, “biết dân mong gì từ những bậc quân vương”. Bà xứng đáng được “muôn đời ngưỡng vọng”. Và những con người bình thường góp phần làm nên lịch sử như 13 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tuổi xuân trong trắng cho đất nước tại Truông Bồn trong chiến tranh chống Mỹ, một hiện thực lịch sử chưa xa. Nhà thơ gọi họ là những “ngôi sao trinh nữ” với một tình cảm yêu thương trân quý: “Câu thương còn nỗi riêng tôi/ Ngôi sao trinh nữ vừa rơi xuống lòng”
Lịch sử không chỉ là những chiến tích hào hùng hay những câu chuyện thâm cung bí sử. Cái cốt lõi của lịch sử là sự kết tinh tâm hồn trí tuệ của nhân dân hàng ngàn đời, đúc kết những quy luật xã hội, gửi thông điệp của thế hệ trước đến mai sau và lưu truyền những giá trị văn hóa. “Bao nhiêu vật đổi sao dời/ Cỏ cây vẫn hát bằng lời cỏ cây (Viết trước đền vua Đinh). Nguyễn Xuân Hải đã khái quát nên bài học lịch sử và đó cũng là quan niệm của nhân dân. Suy cho cùng sức mạnh thời đại là ở nhân dân. Mọi vương triều rồi cũng đổi thay, tan biến nhưng nhân dân thì mãi trường tồn. Với suy nghiệm đó, nhà thơ nhìn nhận sang những vấn đề quốc tế, như Liên Xô cũ sau sự đổ vỡ chính thể: “Dẫu lịch sử có nghiêng về khúc khuất/ Vẫn hiện ra/ Tươi rói tâm hồn Nga (Bên bờ Vônga). Tài sản quý giá nhất còn lại cuối cùng của mọi quốc gia, dân tộc là văn hóa. Còn văn hóa là còn tất cả. Suy nghiệm này đồng thời là ý thức nghệ thuật, khai mở con đường cho thơ Nguyễn Xuân Hải “lặn ngụp” trong kho tàng văn hóa Việt Nam, nhận ra những tinh hoa ấy đã tỏa bóng xuống đời mình: “Một đời tôi rợp bóng xưa trong hồn” (Đồng làng). Con người trong đời sống hiện đại luôn tất bật lao về phía tương lai, bỏ quên quá khứ, cắt đứt truyền thống, một nền tảng tinh thần vô giá và thực tế đã phải trá giá vì điều đó. Tâm lý dùng giằng giữa hai bờ truyền thống và hiện đại là tâm lý khá phổ biến không chỉ trong đời sống mà cả trong tư duy sáng tạo. Mượn huyền tích dân gian, nhà thơ đã chỉ ra sự mâu thuẫn trong tâm thế con người hôm nay: “Nghiêng ngả cùng nàng Tô Thị cô đơn/ Hóa đá ngàn đời, hóa người mấy kiếp/ Câu ca cũ nửa còn treo núi biếc/ Nửa đang tìm về phía phồn hoa” (Nghiêng ngả cùng Tô Thị). Đến Văn Miếu, trường Đại học đầu tiên, nơi đào tạo hàng nhìn nhân tài cho đất nước, ông cảm nhận hồn xưa như đang thao thức, gửi trao bao nỗi niềm. Nhà thơ ân hận vì sự thờ ơ của mình đối với cội nguồn: “Mải huýnh hoáng chuyện đẩu đâu thế giới/ Đâu biết quê mình Tiến sĩ mấy đời bia/ Đâu biết tự lâu rồi miếu nọ đền kia/ Nén hương thắp không thơm về nguồn cội” (Giấc mơ của đá). Tâm trạng tự thú, sám hối về sự phai nhạt tình cảm đối với truyền thống đã góp phần thức tỉnh giá trị nhân văn trong thẳm sâu lòng người.
Thơ Nguyễn Xuân Hải thấm đẫm không gian văn hóa của nền văn minh lúa nước.Nhà thơ phiêu diêu trong cõi hồng hoang của xứ sở miền Tây cùng huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”; Say điệu múa người Dao trong phiên chợ tình Khau Vai; Mộng mị cùng điệu lý giao duyên Quan họ liền anh, liền chị; Ngẫm ngợi trước chiếu chèo lẳng lơ vạt yếm Thị Màu; Lặng đau với câu hát sẩm “nổi chìm nơi bến quê”… Từng trang thơ hiện lên đầy ắp hình ảnh những “đồng đất bạc màu”, tiếng “thì thòm tát nước gầu dai”, “ bến sông lẻ bóng con đò”, phiên chợ tàn chỉ “những người mua bán cái nghèo với nhau”, tiếng chuông chùa ngân vọng người quá cố, và bình dị hồn nhiên đất lề quê thói… Tất cả tưởng như quá đỗi quen thuộc, xưa cũ, tưởng như đã được khai thác đến cạn kiệt trong văn chương nghệ thuật, vậy mà thơ Nguyễn Xuân Hải vẫn khiến người đọc bất ngờ rưng rưng và suy ngẫm. Bởi ông nói bằng tiếng nói thành thực của tâm hồn. Tiếng nói ấy đã góp phần khẳng định phẩm chất, nhân cách ViệtNam hàng ngàn năm văn hiến. Đó là điều không bao giờ cũ và cũng là sứ mệnh của người cầm bút mọi thời.
“Người về tìm lá bể dâu” không hề có bóng dáng của siêu thực, tượng trưng, tân hình thức hay ngôn ngữ “quái đản”…Nhà thơ dường như “chung thủy” tuyệt đối với lối diễn đạt truyền thống. Đôi ba bài tỏ ra phá cách nhưng chưa thành công. Thống kê trong tập thơ thì thấy có 57/90 bài được viết theo thể lục bát và hầu hết những bài thơ hay của Nguyễn Xuân Hải nằm trong số này, đã làm nên “âm chủ” của thơ ông.
  Hỏi xưa có nhớ mai sau
  Một mình đổ bóng xuống câu thơ buồn
                                                (Hỏi xưa)
Nếu như đại thi hào Nguyễn Du từng băn khoăn không biết ba trăm năm sau, thiên hạ có ai khóc Tố Như chăng? ( “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”) thì hôm nay nhà thơ Nguyễn Xuân Hải nêu câu hỏi ngược lại: “Hỏi xưa có nhớ mai sau”. Đây là sự gặp gỡ những khát vọng tri âm của con người giữa các thời đại. Con người trong tự ngã phải mang vác nỗi cô đơn và thơ là miền giao cảm tâm linh có quyền năng giải mã những uẩn khúc, chạm đến cõi tinh tế, thiêng liêng của tâm hồn.
Và còn nhiều câu thơ lục bát hay của Nguyễn Xuân Hải mà bài viết chưa nêu hết được, chỉ xin dẫn vài ví dụ:
- Thương nhau đến sạm má hồng
             Đợi nhau đến tận ngày không trở về
                                     (Ngỡ như một khúc dân ca)
            - Bóng chiều đã úa từ lâu
              Tôi về mang cả gánh sầu mang đi
                                                    (Chợ tàn)
- Một chiều lãng đãng Hồ Tây
            Tôi tan vào sóng, sóng đầy trong tôi
                               (Lãng đãng Hồ Tây)
“Người về tìm lá bể dâu” đặt ra vấn đề lớn về lịch sử và văn hóa dân tộc nhưng không hề cao giọng “đại tự sự”. Trong ý thức nghệ thuật của mình, Nguyễn Xuân Hải đã gắng gỏi đi tìm chân trời mới cho thơ bằng cách đi ngược chiều thời gian, không gian để tri ngộ với hồn xưa với rung cảm tận cùng những vi mạch của trái tim yêu thương, mang đến cho thơ sự hài hòa giữa hoài cổ và đương đại.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng: “Nghĩa vụ của sử học, văn hóa học, văn học là làm sáng tỏ nhân cách Việt qua hàng ngàn năm lịch sử và văn hiến nước nhà… Thơ ca phải lên tiếng, phải đến với vấn đề nhân cách cá nhân, phẩm cách của dân tộc và phải tự mình trở thành nhân cách.” (Lạm bàn về thơ Việt hôm nay)
Nhà thơ Nguyễn Xuân Hải đã làm được điều đó, không chỉ vì sự giác ngộ về nghĩa vụ mà hơn nữa là nhờ những gì vốn có trong tiềm thức. Và đó là một nhân cách thơ.
                                                Nha Trang, tháng 10 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét