Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Truyện ngắn "Người trong tranh"

Ảnh Minh Họa

          Chị từ phòng trong bước ra. Chỉ một tấm voan mỏng che hờ trên tấm thân trần. Rồi tấm voan mỏng ấy rơi nhẹ xuống sàn nhà. Như làn gió thoảng. Theo hướng tay anh chỉ, chị bước đến chiếc giường đã trải ga trắng. Trước mặt chị là chiếc giá vẽ và khung tranh đã căng toan. Anh nhìn vào mắt của chị. Khá lâu. Chị bối rối. Anh cảm nhận được điều đó. Ánh mắt của anh tiếp tục lướt nhẹ trên người chị. Chị cảm thấy từ ánh mắt ấy có hơi ấm lan toả trên da thịt mình. Chị khẽ run lên...



Chị là con gái ngoại thành. Làng nghèo. Nhà chị cũng nghèo. Học hết lớp bẩy chị phải nghỉ ở nhà giúp mẹ việc đồng áng và chạy chợ. Năm chị mười tám, nghe người ta đồn, thứ gì bán ở phố cũng đắt gấp hai, ba lần ở quê. Chị rủ mấy đứa bạn trong làng mang rau ra ngoài ấy. Nhưng ngày đầu mon men đến chợ phố, chị và mấy đứa bạn đã bị mấy bà hàng khô, hàng tươi xua đuổi và xỉ vả tơi bời. Không bán được ở chợ, đành phải gánh đi rong. Cũng có lãi. Nhưng mà mệt. Mấy đứa bạn chán cảnh lang thang đành bỏ cuộc. Chỉ còn chị. Chị khoẻ mạnh và có duyên bán hàng với người phố. Dần dà, nhiều người nhà mặt phố còn đặt mua rau tháng. Hôm nào chủ nhà chưa dậy, chị để rau trước cửa, trưa mới quay lại lấy tiền.



Anh cũng là một trong những khách hàng đặt mua rau thường xuyên của chị. Chẳng mấy khi anh dậy trước chín giờ. Thành ra mỗi sáng chị chỉ việc đặt mớ rau lên trên chiếc hòm thư bằng gỗ sơn màu xanh ở ngoài cổng. Gần trưa, bán hết, chị quảy gánh về, anh như đã đứng chờ sẵn. Thường thì cùng với việc trả tiền anh còn mời chị cốc nước đun sôi để nguội. Cho đến một ngày đầu hè. Chói chang nắng và hầm hập nóng. Chị lấy nón quạt liên hồi. Rồi chị cởi tung cả chiếc khăn che mặt. Sợ đen, con gái làng chị đứa nào cũng che mặt bịt bùng như thế. Lần đầu tiên anh nhìn thấy mặt chị. Gương mặt ửng đỏ và lấm tấm mồ hôi. Cả người chị như tắm trong mồ hôi. Cái áo sơ mi màu xanh cổ vịt như dán vào da thịt chị. Ánh mắt của anh hôm nay rất lạ. Vẫn thân thiện nhưng có vẻ bối rối. Từ khi bán mớ rau đầu tiên vào dịp cuối xuân đến giờ là cuối hạ, trong suy nghĩ của chị, anh là một khách hàng đàng hoàng và sòng phẳng. Đã nghe người ta đồn thổi đủ điều về thói trăng hoa và giả dối của con trai thành phố, nhưng với anh, mấy tháng qua, chị thấy anh có vẻ chân thật. Đôi lúc nghĩ vẩn vơ, chị còn thấy anh có nhiều nét rất đáng yêu. Hình dáng của anh, nói như bọn con gái trong làng là miễn bàn, miễn góp ý. Trắng trẻo, thư xinh, tầm thước, mắt sáng, môi đỏ, ngón tay thon như tay con gái. Còn tính cách, chị cũng đoán được đôi phần qua cách anh đưa tiền hay mời nước. Cả một đôi lần anh hỏi về chuyện bán rau của chị... Chị còn đang nghĩ vẩn vơ suy nghĩ về ánh mắt khác thường hôm nay của anh thì bên tai đã ngân lên một lời đề nghị: “Hôm nay tôi có câu chuyện muốn bàn... Chị có thể vui lòng vào trong nhà một lát không?”

Chị theo chân anh vào phòng khách. Căn phòng chừng hai mươi mét vuông. Ngổn ngang những giá vẽ và khung tranh. Tranh phong cảnh ruộng đồng và cả tranh người, hầu hết là những cô gái đẹp. Lại có bức vẽ một cô con gái trần như nhộng. Rõ là đồ đĩ thoã! Người làng chị vẫn bình phẩm những cô gái lẳng lơ ăn mặc hở hang bằng những câu như thế. Nhưng mà cô ấy đẹp, nuột như cái ngó cần. Chỉ có đôi vú là chán. Nhỏ và lép kèm kẹp. Của chị tròn trịa và đầy đặn hơn nhiều. Chị không dám nhìn lâu vào bức tranh, sợ anh đánh giá. Anh mời chị ngồi xuống ghế. Đưa thêm một cốc nước mát và giọng nói lại ngân lên, nhẹ như gió:

- Tôi ăn ở lộn xộn quá. Với lại những tác phẩm đặt ở đây đang còn dang dở nên tôi chưa thể cất.


- Không sao đâu ạ. Ở nhà em còn bừa bộn hơn nhiều.

Anh tiếp lời:

- Thế này chị ạ. Đã lâu rồi tôi quan sát và nhận thấy chị là một phụ nữ có dáng người và đôi mắt rất đẹp. Còn hôm nay, chị cởi bỏ chiếc khăn, thú thực tôi phải bàng hoàng. Một gương mặt bao năm nay tôi tìm kiếm bây giờ mới thấy. Vậy nên tôi xin đường đột đề nghị thế này...

Anh nâng cốc uống như thể lấy lại tự nhiên rồi nói tiếp:

- Tôi đề nghị chị làm mẫu vẽ cho tôi...

Đúng là con trai thành phố. Nói hay và nịnh khéo đến thế là cùng. Nhưng làm mẫu nghĩa là... Chị liếc nhanh về bức tranh rồi cúi đầu lí nhí:

- Em chịu thôi.

Anh vẫn khẽ khàng:

- Tôi biết khi nhìn những bức tranh kia, nhiều người đã nghĩ xấu về giới hoạ sỹ và các cô người mẫu. Thực ra thì không phải cô gái nào cũng chấp nhận làm mẫu khỏa thân. Nhưng...

Anh định nói thêm một điều gì đó. Nhưng rồi nhìn vào ánh mắt đầy lo lắng của chị, đành thôi. Lại rót nước đưa cho chị. Lần này chị uống không phải vì khát mà là để cả hai đỡ căng thẳng. Đợi chị uống xong cốc nước, anh mở ngăn kéo, đặt lên tay chị một tờ giấy:

- Đây là bản hợp đồng tôi ký với một số cô người mẫu trước. Chị đọc và xem các bức tranh tôi đã vẽ họ, lúc nào thấy thuận lợi trả lời cũng được.
*
* *
Năm tháng sau buổi trưa ngột ngạt nắng ấy, các điều khoản trong bản hợp đồng chẳng còn ý nghĩa gì đối với chị. Chị như bị thôi miên đến mê muội vì những tác phẩm và cả vì sự lịch lãm của anh nữa. Chỉ với chiếc áo màu xanh cổ vịt, chị đã được hoá thân vào một số bức tranh của anh. Ngắm tranh, mới thấy những lời khen của anh dành cho chị là thành thật. Trên những tấm toan mỏng, nét đẹp trên cơ thể chị trở nên lung linh, huyền ảo và tràn đầy sức sống. Có lúc chị còn cảm thấy cô gái trong bức tranh như đang muốn cử động. Chỉ cần một lời vẫy gọi của anh là cô gái ấy sẽ bước ra khỏi khung tranh...

Hôm nay chị chỉ xếp gánh rau vơi bằng một nửa ngày thường và trở lại thu tiền sớm gần hai tiếng theo lời anh đề nghị. Hợp đồng chị ký với anh, chỉ phải ngồi mẫu mỗi tuần ba buổi, mổi buổi một giờ, bắt đầu từ mười giờ sáng. Mỗi giờ anh trả cho chị số tiền bằng cả tuần kĩu kịt gồng gánh trên vai. Ngày đầu, ngày thứ hai, rồi ba tháng ngồi mẫu, nhất nhất anh tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng, từng chi tiết nhỏ. Không bao giờ anh dám động đến người chị. Không bao giờ anh và chị hỏi chuyện đời tư của nhau. Chị chỉ cần thực hiện theo khẩu lệnh của anh: ngồi xuống, xoay sang phải, ngước lên, cúi xuống hay nhìn đi xa xăm...Nhưng tuần trước, bản hợp đồng đã có bổ xung thêm điều khoản mới. Điều này lại do chính chị đề xuất.

Một lần đứng trước bức tranh cô gái khoả thân khá lâu chị buột miệng hỏi anh:

- Vợ anh đây à?

Anh đáp:

- Đó là cô người mẫu trước của tôi. Trong hợp đồng của chúng tôi đã ghi rõ điều khoản vẽ cô ấy trong tình trạng này.

Không hiểu sao lúc ấy chị trở nên bạo dạn đến thế:

- Anh có nghĩ rằng người em đầy đặn và khoẻ mạnh hơn cô gái này không?

Anh nói:

- Anh luôn ao ước được vẽ em một bức như thế.

Chị đỏ mặt:

- Anh chỉ được cái nói khéo.

Sau buổi ấy, anh trở thành một người khác. Hoạt bát và mơ mộng. Còn hôm nay, anh hẹn chị đến sớm, làm cho chị phải đoán già, đoán non...

Những điều chị đoán đã trở thành sự thật. Chị lặng lẽ nghe theo mệnh lệnh của anh như một con chiên ngoan đạo. Anh đưa cho chị một tấm voan mỏng và bảo chị vào phòng trong cởi bỏ quần áo. Khi bước ra, không hiểu sao chị không thể giữ nổi tấm voan trên tay nữa. Anh ngắm chị trong im lặng. Rất lâu. Chị không dám nói gì với anh. Trong hợp đồng đã ghi rõ điều ấy. Rồi bỗng nhiên, anh nâng bút. Cây bút như múa trên tấm toan. Nét dài, nét ngắn, nét đậm. nét nhạt, khi cần mẫn, khi hối hả. Thỉnh thoảng anh mới ngước nhìn chị. Ánh mắt khắc khoải và luyến tiếc. Có lẽ anh sợ hai giờ trong hợp đồng ngày hôm nay không đủ. Chị nhìn anh với ánh mắt đắm đuối. Chị quên rằng mình không còn mảnh vải nào trên người. Hình như chị đã yêu anh đến mức có thể làm theo mọi sự sai bảo của anh...

*

* *

Buổi chiều, con gái chị mang về một tờ báo và hỏi:

- Mẹ xem, con nhỏ trong bức tranh này có giống con không?

Chị ngắm nghía cô gái trong bức tranh đăng kèm một bài báo rồi nói:

- Sao con lại hỏi mẹ như thế?

Con gái chị liến thoắng:

- Là thế này, bọn bạn con đánh cược rằng chính con đã ngồi mẫu cho ông hoạ sỹ còm nhom này vẽ. Mà con thì có biết ông hoạ sỹ nào đâu.

Nói rồi con bé bỏ mặc chị với tờ báo chạy ào lên gác. Lát sau nó bước xuống với chiếc túi du lịch trên vai. Trước khi ra khỏi nhà, nó bảo:

- Con đi chụp ảnh cho lịch Tết. Chắc phải một, hai ngày mới về.

Con gái đi rồi, một mình chị ngồi đối diện với tờ báo. Bức tranh vẽ chân dung chị trong tấm áo màu xanh cổ vịt. Còn bài báo viết về anh. Rằng anh là một hoạ sỹ rất nổi tiếng thời chiến tranh. Dọc đường hành quân vào mặt trận, anh có hàng trăm tác phẩm, trong đó phần nhiều là ký họa đầy ắp hơi thở cuộc sống của người lính nơi chiến trường gian khổ. Bài báo cũng hé lộ đôi dòng về đời tư của anh. Rằng anh là người suốt đời tôn thờ cái đẹp nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn sống độc thân. Có nhiều lời đồn xung quanh chuyện anh không chịu gắn bó với người phụ nữ nào mặc dầu anh từng được rất nhiều người đẹp si mê. Hầu hết những người đẹp ấy đều là mẫu vẽ của anh. Tác giả bài báo cũng úp mở rằng, khi chọn bức tranh in kèm bài phỏng vấn, anh chỉ chọn bức “Người năm cũ” thay cho lời ngỏ muốn một lần được gặp lại cô gái trong tranh trước khi mở triển lãm riêng của mình...

Đọc xong bài báo, mắt chị nhòe đi. Chiếc ống nứa dưới đáy cái hòm gỗ kê ở góc phòng kia còn một bức tranh nữa của anh vẽ chị. Một bức tranh khỏa thân. Vì bức tranh ấy mà cuộc đời chị gặp bao éo le, oan trái. Từ khi nhận bức tranh từ tay bà cô của anh, chị chỉ được xem nó có 2 lần. Lần thứ nhất, trong buồng, dưới ánh đèn dầu tù mù. Phải đợi cả nhà đi ngủ, cài then chắc chắn, chị mới dám lôi nó từ ống nứa ra xem trộm. Lần thứ hai, mới mùa đông năm ngoái. Trước lúc lâm chung, bố đưa lại cho chị cái ống nứa và dặn rằng: “Bức tranh đẹp lắm nhưng nó không thuộc về cái nhà này, cái làng này. Con nên trả lại cho người ta”. Tối hôm ấy, chị mở bức tranh ra xem. Trong căn phòng riêng. Dưới ánh đèn nê ông mát như ánh trăng. So với người trong tranh, chị đã là người hoàn toàn khác. Người trong tranh có đôi mắt đen láy, đầy quyến rũ. Mái ngực căng tràn và hai đầu vú như hai đốm lửa sắp cháy lên những ham muốn hạnh phúc. Người chồng của chị đã từng bị thiêu đốt vì đôi mắt và mái ngực rực lửa ấy. Ông ta cũng là người phố, lầm lì, khó hiểu và rất căn cơ. Năm ấy chị đã gần ba mươi. Ông ta hơn chị mười tuổi và đã một đời vợ. Đêm tân hôn ông ta lén trải một chiếc khăn bông trắng trên chiếu. Sáng ra khi nhìn thấy những giọt máu màu hồng tươi thấm trên khăn ông ta mới nở nụ cười mãn nguyện và tin lời chị. Rằng chị chưa một lần chung đụng với đàn ông. Rồi đứa con gái của chị ra đời. Chị đã chiếm được cảm tình của ông ta bằng vẻ đẹp khoẻ mạnh và sự tần tảo của một cô gái quê. Nhưng có một chuyện liên quan đến bức tranh khiến cuộc đời chị rẽ sang hướng khác. Lần về quê thăm ông bà ngoại, tình cờ đứa con gái lục lọi và thấy cái ống nứa dưới đáy hòm gỗ chị gửi lại bố mẹ. Nó tò mò lôi ra nghịch. Bức tranh rơi ra khỏi ống nứa. May mà bố chị kịp nhìn thấy và giấu biệt. Tối hôm ấy, về nhà, nó khoe với cả nhà rằng đã trông thấy mẹ cởi trần truồng nằm trên một tấm vải. Năm ấy nó mới hơn 4 tuổi. Sự ngây thơ và hồn nhiên của nó đã tạo nên những cơn ghen sấm sét trong người ông ta. Ông ta đòi xem bức tranh. Chị từ chối. Không được xem tranh, ông ta liên tục căn vặn. Sau căn vặn là những trận đòn và lời xỉ vả ngày này qua tháng khác. Cuối cùng là lá đơn ly dị. Chị đã ký và nhận nuôi con. Trước tòa ông ta tuyên bố rằng: không biết cha đứa con chị đẻ ra là của ai. Chị bế con về nhà ở với bố mẹ. Lại những gánh rau kiếm sống. Chị dồn hết sức lực và tình cảm chăm chút cho con gái. Càng lớn nó càng giống chị. Có phần đẹp hơn. Đám con trai bám theo hàng đàn. Cánh thợ ảnh tranh nhau mời nó đứng để họ chụp những bức ảnh làm các tập san thời trang. Một số công ty quảng cáo chọn nó làm người mẫu độc quyền. Có tay thợ ảnh còn chèo kéo nó chụp ảnh “nuy” nghệ thuật. Mà “nuy” nghệ thuật thì cũng phải cởi hết quần áo. Nó giải thích với chị như thế và tuyên bố một câu xanh rờn: “Giữ được hay không là do mình”. Chỉ hai năm làm người mẫu, nó mang tiền về xây nhà hai tầng ngay trên lô đất ông bà ngoại chia cho chị. Còn bố nó, từ sau khi bỏ chị, đã cưới thêm hai người phụ nữ nữa. Cả hai người ấy đều phải phải từ bỏ ông ta đi. Nghe người ta đồn rằng đêm tân hôn nào ông ta cũng lén trải khăn bông lên trên chiếu. Nhưng chẳng có cô nào có được một giọt hồng hồng, tía tía như ông ta mong muốn. Và cũng chưa cô nào kịp sinh con với ông ta...

* *

*

Tối hôm sau con gái về. Toàn thân nó đen sạm. Nó xòe ra vài chục chiếc ảnh đủ kiểu nằm ngồi.Trên người chỉ có hai mảnh vải che phía trên, phía dưới. Khoe chán, nó nhét tập ảnh vào túi, chạy lên gác. Còn lại một mình, chị lặng lẽ bước đến bàn thờ. Đĩa hoa quả và cốc nước lã chị đã đặt lên từ sáng. Chị châm thêm ba nén hương nữa. Trong khi chị đang lầm rầm khấn vái thì con bé bước xuống. Nó hỏi: “Hôm nay là ngày gì mà phải thắp hương hở mẹ?”. Chị không trả lời. Khấn vái xong chị kéo nó đến bên và dốc bức tranh từ trong ống nứa ra trải ngay ngắn trên bàn. Nó nhìn như dán mắt vào bức tranh rồi thốt lên: “Có phải vì bức tranh này mà lão ta bỏ mẹ con mình phải không ạ”? Chị gật. Nó hỏi vẻ dò xét: “Vậy thực ra bố con là ai? Ông họa sĩ hay cái lão đã từng đánh đập mẹ con mình?”. Chị nói trong nước mắt: “Con đừng bao giờ hỏi mẹ như vậy nữa. Con chỉ là của riêng mẹ”. Con gái chị tỏ vẻ hối hận. Nó lặng lẽ gật đầu và vuốt lại bức tranh cho phẳng. Chị và nó cùng ngắm tranh, nhưng mỗi người theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Lát sau, chị nói:

- Trước khi chết ông ngoại con mới đưa lại bức tranh cho mẹ. Ông ngoại dặn lại phải trả bức tranh cho người vẽ. Mẹ đọc bài báo con mang về và thấy lúc này gửi lại cho người ta là hợp nhất.

Con gái chị dãy nảy:

- Đừng. Mẹ biết bức tranh này đẹp đến mức nào không? Người ta chụp cho con cả trăm bức ảnh “nuy” nhưng chẳng một cái nào đẹp và sống động như bức tranh này.

Gương mặt của chị ánh lên vẻ hạnh phúc:

- Vậy thì lúc này ông ấy càng cần có nó. Con giúp mẹ mang đến triển lãm gửi lại cho ông ấy, được không?

Một tuần sau. Giữa trưa con bé về nhà với tờ báo trên tay. Giọng nó vừa như hoan hỉ vừa như nuối tiếc:

- Mẹ có tưởng tượng được không. Bức tranh mà mẹ cho không ông hoạ sĩ ấy đã được bán với giá bao nhiêu không? Cao chót vót. Báo viết giấy trắng mực đen đây này: “Bức tranh khỏa thân cũng với tên là “Người năm cũ” của người họa sĩ đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Đã có người trả tới mười lăm ngàn đô Mỹ!”

Chị cầm tờ báo đọc và ngồi lặng đi...

*

* *

Ba mươi năm chị mới trở lại ngôi nhà mặt phố có cái hộp thư bằng gỗ sơn màu xanh ấy. Thay vì gánh rau năm xưa, sáng nay chị gánh hoa. Hầu hết các gia đình trong làng của chị bây giờ đã chuyển sang trồng hoa. Chiều chiều, người thành phố về làng mua hoa tại vườn, giá có thấp một chút nhưng đỡ mất công, mất sức. Chiều qua, cánh buôn hoa lại đến. Chị không bán mà để dành cho gánh hoa hôm nay ra phố. Chị mới chớm tuổi năm mươi. Gầy và sạm nắng, nhưng ơn trời gương mặt vẫn còn phảng phất nét đẹp ngày xưa...Chị đặt gánh hoa trước cổng ngôi nhà và bấm chuông. Một cô gái trẻ, khá xinh ngó ra rồi xua tay ra ý không mua bán gì cả. Chị lên tiếng xin gặp ông họa sỹ và nói thêm:

- Cháu nói giùm với ông ấy rằng bác là người đã bán rau ở đây từ ba mươi năm trước.

Cô gái tỏ ý ngạc nhiên và khó hiểu. Lát sau trước dáng vẻ ngượng ngập tội nghiệp của chị, cô gái giải thích:

- Gia đình cháu dọn về đây đã hơn hai mươi năm. Từ hồi chưa có cháu cơ. Có lẽ bác nhầm nhà. Mà bố cháu là bác sĩ chứ không phải là họa sĩ.

Rời ngôi nhà có cái hộp thư bằng gỗ sơn xanh, đôi chân của chị như thể đang bước trên những thửa ruộng ngập bùn ngày trước. Sẩm tối chị mới quẩy gánh hoa đã héo quắt về đến nhà. Con gái đón chị ở ngoài cổng. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi và gương mặt buồn bã của chị, nó như đã đoán được phần nào. Nó hỏi mà như căn vặn chị:

- Mẹ đến với ông họa sĩ phải không? Sao mẹ phải giấu con?

Chị ngượng nghịu:

- Mẹ định gặp lại ông ấy rồi mới kể với con chuyện xưa.

Con gái chị bước vào trong nhà rồi nói vọng ra:

- Mẹ không phải kể nữa. Con biết hết rồi.

Chị đứng như trời trồng trước hiên, hỏi lại:

- Con biết gì nào? Mà sao con biết?

Con gái chị trở ra với một tờ báo trong tay và nói:

- Ông họa sĩ ấy đã kể hết chuyện của ông ấy với mẹ trong bài phỏng vấn này. Mẹ nghe con đọc xem cái đoạn sự ra đời của những bức tranh “Người năm cũ” xem có đúng không nhé.

Chị giật lấy tờ báo và nói:

- Đừng. Để mẹ tự đọc

...Thì ra là như vậy. Không phải chỉ riêng chị đơn phương yêu anh mà chính anh cũng rất yêu chị. Anh còn bộc bạch với nhà báo rằng mùa đông năm bẩy hai ấy giá như anh không phải vào chiến trường có lẽ anh đã ngỏ lời yêu. Rồi mùa hè năm bẩy nhăm từ mặt trận trở về, nếu không bị nhiễm chất độc màu da cam từ cánh rừng trụi lá chắc anh đã đi tìm chị. Anh không muốn chị hoặc bất cứ cô gái nào gánh chịu thêm bất hạnh vì chất độc đi- ô - xin trong cơ thể mình. Cũng không thể sống ở thành phố trong khi căn bệnh quái ác liên tục hành hạ và nguồn thu nhập chính từ cây cọ vẽ ngày càng trở nên hạn hẹp, anh đã chuyển về quê kiếm sống. Những bức phác thảo hồi mới gặp chị gần ba mươi năm trước anh đã vẽ đi vẽ lại để có thêm hai bức tranh “Người năm cũ” mà anh cho là ưng ý nhất. Bức tranh khỏa thân mà con gái chị mang đến, anh cũng đặt tên “Người năm cũ” và treo vào ngày cuối cùng của triển lãm. Chiều hôm ấy có một người đàn ông đến nằng nặc đòi mua. Anh không muốn bán nên ra giá thật cao. Không ngờ người đàn ông ấy vẫn bỏ ra mười lăm ngàn đô để có được bức tranh. Các nhà báo xúm vào phỏng vấn nhưng ông ta kiên quyết không tiết lộ danh tính...

Không thể đọc hết bài báo. Nước mắt chị làm nhòe những dòng chữ còn lại. Chị ngồi thần ra nghĩ ngợi. Người đàn ông bí hiểm ấy là ai nhỉ. Hay là nhà báo úp mở thế để tăng phần hấp dẫn cho bài viết...Hay ông ta chính là người đã đuổi hai mẹ con chị ra khỏi nhà chỉ vì bức tranh...

Trong khi chị đang miên man với bao suy nghĩ thì con gái từ dưới bếp bưng mâm cơm lên. Thấy chị đang khóc nó nói nhỏ:

- Hôm nay mẹ đi tìm ông ấy mà không gặp đúng không?

Chị im lặng không đáp. Nó tiếp:

- Thực tình hôm trước con đã định bàn với mẹ đến gặp ông ấy bàn chuyện cưa đôi tiền bán bức tranh. Nhưng hôm nay thì con “bai bai” ý nghĩ ấy rồi. Đọc báo mới thấy ông họa sĩ ấy thật đáng trân trọng. Bệnh tật, túng thiếu thế mà dám dốc cả một khoản tiền lớn tặng cho quỹ nạn nhân chất độc màu da cam....

Chị ngắt lời con gái:

- Thật thế hở con?

Con gái đến bên chị, chỉ tay vào đoạn cuối của bài phỏng vấn và nói:

- Rõ chán cho mẹ. Thế mẹ chưa đọc đến đoạn này à?

Chị nâng tờ báo lên xem. Những dòng chữ khi tỏ khi mờ trước gương mặt đã đẫm nước mắt của chị...Bức tranh “Người năm cũ” là tác phẩm tâm đắc nhất của tôi. Nhưng đã từ ba mươi năm nay nó thuộc sở hữu của một người khác. Người ấy vì nghĩa mà tặng lại cho tôi đúng vào dịp triển lãm này. Tôi biết vì bức tranh mà người ấy chịu bao điều oan trái. Tôi đoán có lẽ người mua bức tranh đã động lòng trắc ẩn trước vẻ đẹp thánh thiện và sự trong sáng của người trong tranh. Mười lăm ngàn đô là một khoản tiền lớn. Lẽ ra nó phải thuộc về người đã gìn giữ bức tranh trong suốt ba mươi năm. Nhưng tôi biết nếu đem tặng cho quỹ nạn nhân chất độc màu da cam, chắc người ấy cũng sẽ thuận lòng...”

Con gái đặt tờ báo xuống trước mặt chị. Giọng nó chùng hẳn xuống:

- Con xin lỗi mẹ vì đã có lúc con nghĩ sai về hai người. Ngày mai con sẽ đưa mẹ đi tìm ông họa sĩ. Ông ấy còn nán lại thành phố vài ngày nữa và chắc đang mong mỏi được gặp mẹ. Vậy mà hôm trước con đã nói dối rằng mẹ cháu đi làm ăn xa chưa về...
---------------------------------------------------------------------------------
Về truyện ngắn này, người biên tập có một vài cảm nhận:

"Người trong tranh là một truyện ngắn đầy chất lãng mạn, người viết rất chú ý trong việc gạt đi mọi nỗi khó nhọc, toan tính, bạc bẽo ở đời để tập trung khắc họa những tình cảm sâu sắc, vị tha nhất của con người. Bức tranh gây ra biết bao hệ lụy cho người phụ nữ, nhưng cũng chính bức tranh lại là cơn cớ để chị biết được về tình yêu sâu sắc một thời, và tìm lại được những kỷ niệm đẹp nhất của đời mình. Những người không biết trân trọng hạnh phúc đang có cũng như tôn trọng góc riêng tư trong đời sống vợ chồng thì rốt cuộc sẽ lại như người chồng trong chuyện, một kẻ suốt đời săn tìm sự trinh tiết nhưng lại phũ phàng từ chối con người thanh sạch gần gũi nhất với mình. Và có lẽ, người viết cũng muốn về một điều này nữa, khi nhìn nhận, đánh giá những điều thuộc về quá khứ, nếu có thái độ bình tĩnh và chia sẻ, những người trẻ sẽ hiểu thêm về quá khứ, đồng thời cũng trưởng thành và bao dung hơn trong suy nghĩ. Truyện viết nhẹ nhàng, không kịch tính nhưng rõ ràng, cũng không dễ đoán, một cái kết để mở nhưng đã phần nào thỏa mãn được cả các nhân vật trong truyện lẫn người nghe".

(Phát sóng trên VOV2- Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình "Đọc truyện đêm khuya" lúc 22 giờ ngày 26 tháng 12 năm 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét