Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Lan man với “Tình yêu vạn dặm”

Bìa tập truyện ngắn


Đại tá Nguyễn Xuân Hải là nhà báo đã hơn hai chục năm công tác ở Báo Công an nhân dân. Ngoài viết báo và làm cán bộ quản lý, anh còn là một nhà thơ chuyên nghiệp-Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam-đã có 4 tập thơ riêng: "Ngỡ như một khúc dân ca", "Chuông chùa gõ một tiếng không", "Bỗng thương đàn sếu bay ngang"  và "Người về tìm lá bể dâu". Âm hưởng trong thơ anh là âm hưởng dân gian mượt mà sâu lắng của thi ca đồng bằng Bắc Bộ. Với một cựu sinh viên Khoa Sử, đi bộ đội biên phòng hơn chục năm rồi về Hà Nội làm thơ, làm báo, viết kịch bản phim… ngỡ như chừng đó cũng đủ để bạn bè và công chúng ngạc nhiên, mến phục. Đầu Xuân Canh Dần vừa qua, với sự ra mắt của tập truyện ngắn "Tình yêu vạn dặm" (NXB Hội Nhà văn), một lần nữa anh lại gây không ít ngạc nhiên cho bạn bè và công chúng.
Mười truyện ngắn được chọn in trong tập "Tình yêu vạn dặm" đều đã được đăng rải rác dăm năm nay trên các báo văn nghệ có uy tín ở trung ương, có truyện đã được chuyển thể thành phim truyền hình trên Đài Truyền hình Việt Nam, có truyện được dựng thành kịch truyền thanh hoặc đọc truyện đêm khuya trên VOV, một số truyện được báo Vietnam News chuyển ngữ phát hành ra thế giới… Kể như thế để thấy ở lĩnh vực truyện ngắn, Nguyễn Xuân Hải cũng đã có một tay nghề khá vững. Những cặp tình nhân trong "Tình yêu vạn dặm" đều được Nguyễn Xuân Hải cho yêu "đến bờ, đến bến", khiến cho bạn đọc được thỏa mãn và luôn tìm thấy mình khi ở tuổi đôi mươi tràn trề sức sống, luôn khao khát yêu đương. Nếu không để ý đến cái tuổi Nhâm Thìn của tác giả, người đọc sẽ lầm tưởng những mối tình trong "Tình yêu vạn dặm" là ký gửi những khát khao, tâm sự của một người đang độ mười tám, đôi mươi, như: Một anh sinh viên sống xa Tổ quốc, thiếu thốn tình cảm và nghèo về tiền bạc với một cô gái xứ sở bạch dương (Tình yêu vạn dặm). Một anh sinh viên miền xuôi mơ mộng và một cô sơn nữ đẹp như một bông hoa rừng trót trao thân cho nhau (Bài thơ về cây măng trúc). Một nữ sinh thành thị đài các, kiêu sa, sơ tán về nông thôn và một anh chàng mới lớn con nhà chủ trọ (Ngọn lửa chiếu manh). Một chàng họa sĩ suốt đời tôn thờ cái đẹp và một cô thôn nữ nền nã tràn trề nhựa sống (Người trong tranh)… Tất cả họ đều đang ở độ tuổi yêu, háo hức, cuồng nhiệt, si mê... Và Nguyễn Xuân Hải đã cho họ cháy hết mình, đã khiến cho vạn dặm xa xôi giá lạnh trở nên gần gũi và ấm áp lạ thường! 
Mối tình nào trong "Tình yêu vạn dặm" cũng cháy hết mình, đi đến tận cùng và lấp lánh đằng sau những mối tình cháy bỏng ấy là nghĩa vụ công dân thiêng liêng, là hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ. Nguyễn Xuân Hải không chỉ viết về tình yêu đôi lứa, mà còn viết về tình yêu thương giữa con người với con người. Mối quan hệ giữa cha và con, giữa anh và em, giữa bạn bè đồng nghiệp đã được Nguyễn Xuân Hải đề cập đến một cách rất có lý, có tình. Và tất cả những cái tình đó, đều liên quan đến cái "tâm" của những người chiến sĩ đang thầm lặng hy sinh cho cuộc sống được bình yên. "Người trong tranh" là câu chuyện lãng mạn đậm triết lý tình yêu. Bức tranh khỏa thân từng gây ra biết bao hệ lụy cho cuộc đời một người phụ nữ, nhưng những thiệt thòi ấy phần nào như được bù đắp khi chị nhận ra người họa sĩ năm nào đã từng có một tình cảm rất thiêng liêng dành cho chị; nhất là sự tự nguyện hi sinh tình cảm ấy khi anh bị nhiễm đi-ô-xin ở chiến trường; rồi cả số tiền lớn bán bức tranh ấy được anh chuyển hết cho quỹ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Sự xả thân của người chiến sĩ để cứu mạng con trai của một kẻ "tình địch" ngày xưa, trong truyện "Màu hoa phượng thắm", thật đối lập với thói hợm hĩnh cậy tiền của người cha đứa trẻ. Phẩm chất người chiến sĩ được khắc họa đa diện trong nhiều cảnh huống thật éo le. Giữa "Biên cương thăm thẳm", có người lính để cứu một cô gái và bảo toàn danh dự cho đồng đội, cho đơn vị, đã phải cưới một cô gái "lỡ làng". Sự hi sinh của anh cuối cùng đã được đền đáp bằng một tình yêu đẹp, danh chính ngôn thuận và… xứng đôi với cô gái lỡ làng ấy. Hoặc như "Tình yêu vạn dặm", mối tình của nhân vật phụ-ông tài xế người Nga-lại là điểm nhấn của câu chuyện, bởi ông từng là chuyên gia có mặt ở Việt Nam những năm chiến tranh, từng yêu đất nước và con người Việt Nam như máu thịt… Cả trong "Ngọn lửa chiếu manh", hình ảnh người chiến sĩ với những phẩm chất tốt đẹp cũng thấp thoáng qua nhân vật ông Huấn…
"Tình yêu vạn dặm" được Nguyễn Xuân Hải viết với một giọng văn mượt mà, trau chuốt. Cái khéo của Nguyễn Xuân Hải là anh đã để cho hầu hết những câu chuyện tình yêu của mình dang dở. Cái sự dang dở ấy khiến bạn đọc nuối tiếc, xót xa nhưng hoàn toàn không tuyệt vọng. Dẫu không để cho cô người mẫu năm nào gặp lại chàng họa sĩ, mà cũng là người yêu trong mộng của chị trong suốt ba chục năm trời, nhưng Nguyễn Xuân Hải đã cho chị biết rằng trong mấy chục năm qua, anh cũng rất đỗi yêu chị, nhưng vì không muốn chị khổ thêm nên anh đã cố tình tránh mặt. Dẫu cô gái Nga và chàng trai Việt không thể xây chung một ngôi nhà hạnh phúc, nhưng chàng trai đã vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét để chứng minh với người mình yêu rằng, tình yêu không có biên giới, rằng không được cùng sống dưới một mái nhà, nhưng tình yêu thánh thiện luôn hiện hữu trong cuộc sống của họ bây giờ và mãi mãi…
Thảo Duyên
Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét